Cây trám đen Lạng Sơn đã mang lại ý nghĩa lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bảo vệ được nguồn gen quý và phát triển loại lâm sản có giá trị kinh tế cho xứ Lạng.
Cách đây khoảng 80 năm, cây trám đen được đưa vào trồng nhiều ở các xã miền núi huyện Văn Quan, Cao Lộc, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Do là loại cây dễ trồng, thích hợp với vùng đồi núi, nên trám đen phát triển khá tốt tại địa phương và mỗi năm cho thu hoạch một mùa kéo dài từ tháng 7 - 9 âm lịch.
Trước đây, cây trám đen chỉ được trồng để lấy gỗ hoặc làm thực phẩm dân dã cho bữa ăn hàng ngày ở nông thôn. Vài năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế từ loại cây này, nhiều địa phương đã chú trọng nhân giống cây và hướng tới xây dựng thương hiệu trám đen Lạng Sơn.
Số liệu thống kê ở huyện Hữu Lũng – một trong hai huyện điểm của tỉnh Lạng Sơn đang tích cực nâng cao giá trị sản phẩm trám đen cho thấy, toàn huyện có khoảng 10 ha trám đen, trong đó có khoảng 4 ha cây trồng từ hạt trên 20 năm tuổi. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số hộ dân mua cây trám ghép về trồng với diện tích khoảng 6 ha. Vụ thu hoạch trám đen năm nay năng suất giảm so với mọi năm nhưng được giá cao hơn, giá bán khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Quả trám đen sau khi tách lấy thịt, hạt trám thu lại và bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg. Với giá bán như vậy, trung bình mỗi vụ, nhiều hộ nông dân xứ Lạng có thể thu nhập tới cả chục triệu đồng từ mỗi cây trám đen.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, huyện Hữu Lũng đã triển khai Đề tài “Tuyển chọn và nhân giống trám đen”, với tổng kinh phí đầu tư trên 1,4 tỷ đồng, nhằm mở rộng diện tích, nâng cao giá trị kinh tế của cây trám đen. Theo đó, huyện đã tiến hành cấp phát giống cây và phân bón cho các hộ tham gia dự án trên địa bàn. Đây là những cây được nhân giống bằng phương pháp lấy mắt ghép từ 18 cây trám đã được tuyển chọn tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện cũng tiến hành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân hiểu và nắm rõ kỹ thuật trồng, chăm sóc thâm canh cây trám đen.
Cùng với Hữu Lũng, huyện Văn Quan cũng đã thực hiện Dự án “Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn”, với quyết tâm xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm trám đen của huyện Văn Quan. Qua đó, góp phần tìm thị trường bền vững cho quả trám xứ Lạng.Theo chuyên gia, với việc mở rộng diện tích trồng, cùng những đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến… sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cho người dân xứ Lạng từ quả trám đen.
Trước đây, thị trường tiêu thụ của cây trám đen chủ yếu tại địa bàn tỉnh, tuy nhiên, nhờ có giá trị dinh dưỡng cao nên sản phẩm trám đen Lạng Sơn đã mở rộng ra địa bàn các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hà Nội...
0 comments:
Đăng nhận xét